Tết Nguyên Đán

Tết Nguyên Đán

Tết Nguyên Đán là ngày lễ quan trọng nhất trong chuỗi lễ hội phong phú, đặc sắc của Việt Nam. Nó mang đậm nét văn hóa dân tộc sâu sắc và phản ánh chân thật, rõ nét đời sống của người dân Việt trong mối quan hệ giữa con người với cộng đồng, với đất trời. Tết Nguyên Đán chịu ảnh hưởng của Tết Âm Lịch ở Trung Quốc và thường rơi vào khoảng cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 Dương lịch. Tết không chỉ là dịp mừng đón xuân mới mà còn là dịp để sum họp gia đình, cúng bái tổ tiên và đi trẩy hội, dâng hương cầu chúc cho một cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ hơn. Đây có lẽ đây là dịp lễ có nhiều phong tục nhất của nước ta. Không khí rộn ràng, náo nức của ngày xuân hiện diện trên khắp phố phường cả nước. Niềm vui, niềm hạnh phúc, niềm hy vọng một năm mới tốt đẹp hơn dường như luôn ngập tràn trên mỗi khuôn mặt, trong mỗi đôi mắt. Từ sớm tinh mơ, các đường phố đã nhộn nhịp, người người bận rộn mua bán các loại hàng hóa dùng trong dịp tết như mứt bánh, đồ trang trí, hoa tươi… Những người con xa quê cũng tất bật chen chân trên các bến xe, bến tàu để sớm được về đón Tết cùng gia đình. Tết luôn hiện hữu trong tâm trí của mỗi người dân Việt. Ngay cả, những Kiều bào ở phương xa vẫn luôn ngóng về ngày Tết trên quê cha đất tổ và không bao giờ quên được những phong tục văn hóa tôt đẹp của dân tộc đã gìn giữ và lưu truyền nghìn năm qua. Đối với nhiều người, Tết đến cũng là lúc họ bắt đầu lên kế hoạch cho năm mới với hy vọng mọi thứ sẽ tốt đẹp và suôn sẻ hơn so với năm cũ. Người ta tin rằng mọi việc diễn ra trong ba ngày đầu tiên của năm mới sẽ có ảnh hưởng lớn đến cả mười hai tháng trong năm. Vì vậy, họ rất chú trọng đến việc gìn giữ bản thân, tránh gây ra lỗi, giữ mọi thứ ổn định và đặt biệt là cố gắng giải quyết hết các khoản nợ nần trong năm cũ để phòng tránh những điều không mong muốn xảy ra trong năm mới. Tết cũng là thời gian mọi người tất bật lo toan các lễ cúng như cúng Ông Táo, cúng giao thừa, lễ cúng đón ông bà về vui năm mới cùng con cháu… Đây cũng là dịp để mọi người thăm viếng họ hàng, hàng xóm, bạn bè và đồng nghiệp. Lời chúc tết thường là sức khỏe, phát tài phát lộc, gặp nhiều may mắn, mọi ước muốn đều thành công. Một trong những điều được nhà nhà quan tâm nhất chính là chuẩn bị đồ ăn, thức uống cho những ngày xuân. Trong những ngày này, các phiên chợ, siêu thị vẫn là nơi người dân tập trung đông đúc nhất và tràn ngập các loại hàng Tết như bánh trái, mứt món… Nếu đến Việt Nam trong dịp Tết Nguyên Đán, du khách sẽ có được những giây phút vô cùng thú vị vì ngoài các món ẩm thực độc đáo chỉ xuất hiện ở dịp lễ này, Tết đến xuân về cũng là mùa của lễ hội tưng bừng ở khắp nơi trên cả nước. Du khách sẽ có cơ hội được hòa mình vào nhiều lễ hội đặc sắc ở bất cứ vùng miền nào của dải đất hình chữ S Việt Nam. Chỉ còn hơn 3 tháng nữa thôi, cả nước sẽ nô nức đón mùa xuân mới, xuân Giáp Ngọ, 2014. Trong những tháng cuối năm này, ai cũng ra sức làm việc để năm này có thể tổ chức Tết chu đáo, đầm ấm hơn năm trước.