Chùa Trà Phương

Chùa Trà Phương

Ở khu vực đồng bằng sông Hồng có một quy ước bất thành văn đó là ở mỗi xã đều phải xây dựng ít nhất một ngôi chùa. Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi bạn có thể tìm thấy hàng ngàn ngôi chùa khi đặt chân đến đây. Đến với thôn Trà Phương, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thủy, thành phố Hải Phòng, du khách sẽ có dịp được viếng thăm ngôi chùa rất độc đáo có tên gọi là chùa Trà Phương.
Chùa Trà Phương được biết đến là ngôi chùa cổ ngàn năm tuổi và nơi đây còn chất chứa bao câu chuyện thú vị. Sư cụ trụ trì chùa Trà Phương, hòa thượng Thích Quang Mẫn đã kể lại lịch sử lâu đời của ngôi chùa cũng như phong cách kiến trúc độc đáo của ngôi chùa này.
Theo lời kể của hòa thượng Thích Quang Mẫn thì ngôi chùa được xây dựng vào đầu thế kỉ thứ 11 (1010 -1020). Tọa lạc trên một gò đất cao vắng vẻ, xung quanh cây cối rậm rạp, cách xa chốn quần cư nên ban sơ chùa có tên là chùa Bà Đanh. Hình ảnh ngôi chùa gợi ta nhớ đến những vần thơ của cụ Tam nguyên Yên Đỗ “Chùa xưa ở lẫn cùng cây đá. Sư cụ nằm chung với khói mây” Không gian ở đây tĩnh lặng đến nỗi dân gian thường truyền nhau câu nói “Vắng như chùa bà Đanh”. Thực tế, câu nói dùng để miêu tả những nơi lạnh lẽo, hiu quạnh, thiếu vắng bóng người qua lại.
Thật đáng tiếc, ngôi chùa Bà Đanh ngày nay đã không còn giữ được vẻ ban đầu của nó. Hầu như không còn dấu tích gì còn sót lại của một ngôi chùa đã từng vang bóng một thời ngoại trừ ba cột đá khổng lồ được thiết kế tinh xảo theo lối kiến trúc Phật giáo từ thời Lý (1009-1225). Những thiết kế này đã có hàng ngàn năm tuổi, và mang ý nghĩa lịch sử lâu đời, tuy nhiên bị tác động bởi các yếu tố tự nhiên, ngôi chùa đã bị bỏ mặc và xuống cấp trầm trọng. Ngôi chùa được xem là một nơi linh thiêng và vì thế không một ai dám động chạm hoặc lấy cắp bất cứ đồ vật gì có trong chùa.
Tương truyền, Mạc Đăng Dung trong một lần bị truy sát, nhờ ẩn nấp trong chùa Bà Đanh mà thoát nạn. Vì vậy, khi dựng lên đế nghiệp vào năm 1527, ông đã ban chiếu cho trùng tu ngôi chùa và đổi tên thành Thiên Phúc tự, nghĩa là may mắn trời ban. Tuy nhiên, qua tư liệu ghi chép trên tấm bia đá thì vào năm 1562 người đứng chủ hưng công lại chùa là Thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản. Khi vương triều Mạc kết thúc vào năm 1592, quan quân triều đại Lê-Trịnh đã phá hủy nhiều công trình kiến trúc mang dấu ấn của triều đại trước. Tiếc thay, Chùa Thiên Phúc là một trong số những công trình bị quân lính tàn phá. Tuy nhiên vào thế kỉ 20, bà Ngô Thị Dĩnh, người làng Trà, đã có công trùng tu tôn tạo để có được ngôi chùa cổ kính nghìn năm tuổi mang dáng vẻ như ngày nay. Năm 2007, chùa Trà Phương được Bộ Văn hóa thông tin xếp hạng là di tích văn hóa kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Chùa Trà Phương ngày nay có kiến trúc bố cục theo lối chữ Đinh gồm năm gian tiền đường và ba gian hậu cung. Tất cả các cột kèo, hệ thống xà dầm, bàn thờ gỗ và các đồ vật trang hoàng khác được chạm khắc tinh xảo. Các pho tượng Phật được sắp xếp ngay chánh điện của ngôi chùa. Tượng vua Mạc Đăng Dung và Hoàng Hậu Vũ Thị Ngọc Toản được đặt ở phía bên phải và bên trái của ngôi chùa. Ở phía bên trái con đường dẫn từ cổng chùa đi vào, du khách sẽ bắt gặp nhà văn bia và lăng mộ các vị sư tổ gợi lại câu chuyện về quá trình xây cất, tu tạo và hưng công chùa từ các triều đại nhà Lý, nhà Mạc và các triều đại sau này. Đặc biệt dưới bóng những tán cây đại thụ hàng trăm năm tuổi là một đôi sấu đá được trang trí ngay trước thềm nhà văn bia. Tương truyền, tượng bà Hoàng Hậu Vũ Thị Ngọc Toản rất linh thiêng, và những ai thành tâm đến chùa thì những lời nguyện cầu sẽ trở thành sự thật.