Hát tuồng - Một loại hình biểu diễn âm nhạc truyền thống của Việt Nam

Hát tuồng - Một loại hình biểu diễn âm nhạc truyền thống của Việt Nam

Hát tuồng: Một loại hình biểu diễn âm nhạc truyền thống của Việt Nam
Hát Tuồng (Tuồng), hay còn được gọi là Hát Bội ở miền Nam Việt Nam, là một loại hình biểu diễn nghệ thuật hát kịch cổ điển của dân tộc, phản ánh một nền văn hóa độc đáo và giàu bản sắc Việt Nam. Được xem như một trong những nghệ thuật lâu đời nhất của Việt Nam, môn nghệ thuật này ra đời từ cuối thế kỷ XII, bắt nguồn từ nghệ thuật biểu diễn kinh kịch Trung Hoa, cải tiến và đa dạng hóa thành một loại hình biểu diễn hiện thân cho các nét đặc trưng và bản chất Việt. Việc đưa Tuồng vào Việt Nam xuất phát từ các câu chuyện có từ thời nhà Nguyên trong cuộc chiến Việt Nam chống lại giặc Nguyên. Trong giai đoạn đó, một nghệ sĩ kinh kịch Trung Hoa bị bắt giữ và bị triều đình phong kiến Việt Nam thời bấy giờ ra lệnh truyền lại các kỹ năng biểu diễn. Câu chuyện trên đã phần nào giải thích được khởi nguồn của Tuồng tại triều đình, tầng lớp quý tộc, và sau đó được các gánh hát rong điều chỉnh lại cho phù hợp với tầng lớp thường dân. Môn nghệ thuật Tuồng chẳng mấy chốc trở nên phổ biến khắp mọi miền đất nước, được đông đảo quần chúng đón nhận, từ những người nông dân bình thường cho đến tầng lớp hoàng tộc. Các vở tuồng được cách điệu cao và giàu tính tượng trưng chính vì vậy đòi hỏi người biểu diễn phải nắm vững kĩ thuật biểu diễn thì mới có thể truyền tải được hết cái hồn riêng của mỗi nhân vật mà họ vào vai. Nét mặt người nghệ sĩ được trang điểm như thế nào khi biểu diễn cũng là một yếu tố quan trọng khác giúp khán giả dễ dàng nhận ra tính cách của nhân vật. Ví dụ như râu quai nón cong đen thể hiện nhân vật hung dữ, hiếu chiến; râu rồng thể hiện nhân vật vua chúa hay quý tộc; râu dê hay râu cáo ám chỉ nhân vật quỷ quyệt, xảo trá; và mặt mày nhẵn nhụi không râu thường là vai kẻ sĩ hay bất cứ vai trẻ tuổi nào. Trang phục biểu diễn trong Tuồng được làm rất tỉ mỉ và có chi phí khá cao. Sân khấu tuồng cũng có đặc trưng riêng vì không được trang trí nhiều và bối cảnh thường được hiểu ngầm rồi tưởng tượng chứ không được mô phỏng hay sắp đặt sẵn. Ví dụ, cảnh đánh nhau giữa hai nhân vật tượng trưng cho cả một cuộc chiến với hàng ngàn binh lính giữa hai bên; hay hình ảnh một nhân vật vung roi tượng trưng cho cảnh tượng một người đang cưới ngựa; hay nhân vật dùng mái chèo diễn tả cảnh nhân vật đang chèo thuyền giữa biển khơi. Chính tất cả những yếu tố này kết hợp lại thu hút người xem rất nhiều cũng như làm phong phú trí tưởng tượng của họ.
Nghệ thuật biểu diễn tuồng cũng tồn tại nhiều biến thể và khác biệt vùng miền. Xét ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam thì Tuồng có thể được chia theo nhiều thể loại như tuồng thiên về cổ điển, truyền thống và tuồng thiên về hài hước, châm biếm, trào phúng. Dù cho Tuồng được biết đến là môn nghệ thuật cổ nhưng những câu chuyện và kịch bản mới, hiện đại nói về chủ đề đương thời (như cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc) lồng ghép vào làm cho môn nghệ thuật này vẫn còn phổ biến, phù hợp với thị hiếu của công chúng ở Việt Nam.